Da bị nhiễm corticoid là gì?
Da nhiễm corticoid là tình trạng xuất hiện phản ứng viêm trên da sau khi ngừng sử dụng corticoid hoặc sử dụng không thường xuyên. Đây không phải là căn bệnh hiếm gặp. Ngược lại, tình trạng này ngày càng phổ biến do Corticoid được ứng dụng rất nhiều trong cả chữa bệnh, làm đẹp.
Người bệnh có xu hướng lạm dụng Corticoid bởi tác động tuyệt vời mà nó mang lại trên da. Thực tế cho thấy, chỉ sau vài ngày sử dụng Corticoid, làn da của người bệnh sẽ giảm sưng viêm và trở nên láng mịn nhanh chóng. Mặc dù có tác dụng chữa bệnh, làm đẹp nhưng Corticoid vẫn được xếp vào nhóm “Thuốc độc bảng B” (thuốc gây ngộ độc và nguy hiểm) của Bộ y tế Việt Nam.
Dược chất của Corticoid luôn tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ và cần có sự kiểm soát chặt chẽ về liều lượng. Bản thân nó là một chất kháng viêm Steroid có tác dụng tiêu sưng, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Ở dưới dạng thuốc mỡ, thuốc kem dạng bôi, Corticoid có khả năng giảm sưng viêm giúp điều trị các bệnh da liễu.
Trong làm đẹp, Corticoid thường được dẫn xuất để đẩy nhanh tiến độ tác động trên da nhờ khả năng bào mòn và giúp thẩm thấu các hoạt chất khác. Nhưng cũng vì vậy mà Corticoid trở thành một con dao hai lưỡi, tàn phá làn da một cách âm thầm và có khả năng “gây nghiện” cho da.
Dưới đây là hình ảnh thực tế và hình ảnh soi da bị nhiễm corticoid:
da bị nhiễm corticoid
Cơ chế Corticoid gây nhiễm độc da
Hiện nay, người bệnh thường bị nhiễm độc Corticoid do việc sử dụng thuốc chữa bệnh quá liều hoặc lạm dụng các mỹ phẩm có chứa Corticoid trong làm đẹp:
-
Sử dụng quá liều thuốc chứa Corticoid trong điều trị bệnh da liễu: Eczema, viêm da dị ứng, viêm da tiết bã, vảy nến, lupus ban đỏ, trị mụn…
-
Sử dụng mỹ phẩm làm đẹp chứa Corticoid trong thời gian dài: Kem tắm trắng, kem trị mụn, rượu thuốc…không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có tác dụng làm đẹp da, giảm mụn nhanh chóng sau 2-3 ngày
Việc sử dụng thuốc chứa Corticoid trong thời gian dài hoặc liều cao khiến cho da rơi vào tình trạng lệ thuộc. Nếu ngừng sử dụng hoặc không sử dụng thường xuyên, lớp da sẽ bị bào mòn, dễ bị tác động bởi các yếu tố xấu từ môi trường. Đồng thời dẫn đến sự rối loạn trong quá trình chuyển hóa lipid, teo tuyến thượng thận và rối loạn nội tiết tố.
Thêm vào đó, khi tác động trên da, Corticoid còn có khả năng giữ chất khoáng Natri, thải trừ Kali, tích trữ nước. Nó cũng có tác dụng ức chế các chất như ACTH (hormon vỏ thượng thận), enzyme hyaluronan synthase 3. Đồng thời kích thích giải phóng oxit nitric, giảm axit hyaluronic (HA), gây thoái hóa biểu mô nang…
Do đó, lạm dụng Corticoid sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề như tăng sắc tố melanin trên da, mỏng da, teo da, nổi mụn, giãn nở mao mạch dưới da, da mất nước.
Các bệnh lý liên quan đến nhiễm độc corticoid
Lạm dụng các mỹ phẩm làm đẹp có chứa Corticoid cho mặt là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thể viêm da corticoid như:
Viêm da mất nước
Đây là thể viêm da nhẹ nhất khi bị nhiễm Corticoid. Người bệnh vô tình dùng phải các mỹ phẩm có chứa Corticoid nhưng thời gian sử dụng ngắn và nồng độ còn thấp. Triệu chứng thường gặp là: ngứa da, khô da bất thường kèm theo bong tróc vảy trắng. Tuy nhiên, người bệnh không gặp tình trạng da bị ửng đỏ, nóng rát, nổi mụn, chỉ cần điều trị 1-2 tháng sẽ khỏi.
Viêm da tăng tiết nhờn
Khi ngừng sử dụng dược mỹ phẩm chứa Corticoid, nếu người bệnh thấy tuyến bã nhờn hoạt động mạnh và nổi nhiều mụn bất thường thì nguy cơ cao là bị viêm da tăng tiết nhờn. Nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng thuốc trị mụn có chứa Corticoid hoặc cơ địa da dầu bẩm sinh nhưng dùng các mỹ phẩm dưỡng da, làm trắng có chứa Corticoid.
Nguyên nhân dẫn đến viêm da tiết bã có thể do nhiễm Corticoid
Khi ngừng sử dụng Corticoid, cơ thể bị rối loạn nội tiết tố, tuyến nhờn hoạt động mạnh hơn, thường xuyên sản xuất dầu thừa và gây bít tắc lỗ chân lông dẫn đến mụn. Triệu chứng thường gặp bao gồm: da tiết nhiều dầu, bóng nhờn, da sạm đen và mụn viêm mọc khắp mặt. Mụn có nhiều dạng như mụn đầu trắng, đầu đen, mụn nang, mụn bọc, mụn mủ, mụn ẩn… Da mặt dễ bị sẹo lõm và sẹo thâm.
Viêm da kích thích
Viêm da kích thích thường xuất hiện sau khoảng 2-3 tuần ngừng bôi các mỹ phẩm, dược phẩm chứa nồng độ Corticoid cao, sử dụng liều lượng lớn. Khi ngừng Corticoid có thể thấy ngay các triệu chứng như da bị ửng đỏ và liken hóa (sừng hóa da) gây ngứa ngáy liên tục.
Da bị khô, bong tróc và có thể xuất hiện những mụn nước li ti gây sần da, nổi theo từng mảng. Khi mụn nước vỡ có thể tiết chất dịch vàng và dễ gây nhiễm trùng lan rộng.
Viêm da giãn mạch
Nếu người bệnh sử dụng mỹ phẩm hoặc thuốc điều trị chứa hoạt chất Dexamethasone (một dạng của Corticoid) trong thời gian dài thì rất dễ bị viêm da giãn mạch. Thường là sử dụng trên một năm thì Dexamethasone mới có thể gây tác dụng phụ. Viêm da giãn mạch thường gây cảm giác da nóng, đỏ rát khi gặp nhiệt độ cao, vận động mạch.
Do da bị bào mòn và mạch máu giãn nở nên người bệnh có thể thấy những mạch máu đỏ li ti rõ ràng trên da mặt. Kèm theo đó là cảm giác phù nề, căng tức, châm chích da giống như dị ứng. Viêm da giãn mạch là dạng nhiễm độc Corticoid nặng, cần rất nhiều thời gian để tái tạo và phục hồi da. Da cũng trở nên nhạy cảm hơn.
Viêm da phồng rộp
Đây là dạng nhiễm độc Corticoid nặng nhất và tế bào da bị phá hủy sâu. Hay còn gọi là hội chứng hoại tử nông da do nhiễm độc (Steven Johnson). Những người có cơ địa mẫn cảm, dị ứng với Corticoid có thể gặp các phản ứng trên da nặng.
Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt cao, mệt mỏi, xuất hiện mụn nước bắt đầu mở miệng, viêm mắt. Sau đó mới đến mọc mụn nước, bọng nước ở trên da mặt và ngày càng lan rộng. Khi mụn vỡ thì gây nóng rát và có thể hình thành những túi mủ.
Các bệnh lý da liễu khác
Ngoài ra, da bị nhiễm độc corticoid cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý da liễu như:
-
Teo da Corticoid: Việc sử dụng Mometasone với tần suất cao trong điều trị bệnh da liễu như dị ứng, vảy nến sẽ dẫn đến nguy cơ bị teo da. Người bị teo da thường gặp các biểu hiện như da mỏng, nhăn nheo và tăng sắc tố da, có màu nâu sẫm. Các triệu chứng thường xuất hiện sau 4 tuần ngừng dùng thuốc.
-
Viêm da quanh miệng/mắt: Người bệnh sử dụng thuốc Corticoid với tần suất cao có thể bị viêm da quanh miệng/mắt. Cho dù thời gian sử dụng ngắn. Các triệu chứng bao gồm: sẩn đỏ khu trú quanh miệng/mắt, có thể hình thành mụn nước gây ngứa ngáy. Bệnh có xu hướng diễn tiến mãn tính.
-
Nấm móng: Nếu người bệnh sử dụng thuốc chữa bệnh da liễu có chứa Corticoid trong thời gian dài thì rất dễ bị nấm móng. Đó là lý do tại sao các loại thuốc chứa hoạt chất này không được sử dụng quá 4-5 lần/tuần. Người bị nấm móng có biểu hiện: móng tay/móng chân giòn, dễ gãy vụn, sừng hóa móng, đổi móng từ màu trắng sang vàng nâu, móng biến dạng…
Dấu hiệu da nhiễm corticoid
Để nhận biết bạn có bị nhiễm Corticoid, hãy căn cứ vào các dấu hiệu điển hình sau:
Hình ảnh da nhiễm corticoid
-
Da mỏng, sạm da: Sử dụng Corticoid trong thời gian dài có thể khiến protein bị suy thoái, mất chất nội bào, dẫn đến da ngày càng trở nên mỏng, giảm sắc tố và sạm đen nhanh chóng khi ngừng sử dụng.
-
Da khô bong tróc, nhăn nheo: Corticoid có thể làm tăng sinh keratin ở biểu bì da, ức chế tổng hợp collagen ở lớp hạ bì, các nguyên bào sợi và enzyme hyaluronan synthase 3. Từ đó làm giảm axit hyaluronic (HA) – chất cấp ẩm cho làn da và khiến cho da bị khô, bong tróc vảy trắng và có hiện tượng nhăn da, teo da.
-
Nổi bong bóng nước trên da mặt: Nếu người bệnh ngừng sử dụng các mỹ phẩm chứa Corticoid, chỉ sau 2-4 tuần sẽ có hiện tượng da ửng đỏ, nổi bong bóng nước li ti. Nếu các bong bóng vỡ ra sẽ có hiện tượng đau nhức và dễ bị mưng mủ. Đây chính là dấu hiệu da mặt nhiễm Corticoid.
-
Giãn mạch máu: Corticoid có thể kích thích giải phóng oxit nitric ồ ạt, dẫn đến sự giãn nở bất thường của mao mạch dưới da. Người bệnh sẽ cảm thấy toàn bộ da mặt đỏ rực, nóng ran, rát khô và có cảm giác châm chích thường xuyên.
-
Tăng tiết bã nhờn và nổi mụn: Corticoid làm tăng sinh bã nhờn trên da mặt và gây thoái hóa biểu mô da khiến da thường xuyên bị tắc nghẽn. Đồng thời, nó cũng tạo điều kiện cho Propionibacterium acnes (vi khuẩn kỵ khí) và Demodex folliculorum (ký sinh Demodex) phát triển khiến người bệnh bị nổi mụn khắp mặt.
-
Bỏng rát và phồng rộp da: Nếu người bệnh có biểu hiện da rất nóng, bỏng rát, đau đớn, dày da và có vảy thâm sạm, kèm theo tiết dịch vàng thì đây là dấu hiệu của hội chứng hoại tử da do nhiễm độc. Đây cũng là tình trạng da mặt bị nhiễm corticoid rất nặng, gây mất thẩm mỹ do tế bào da đã bị hủy hoại nghiêm trọng.
6 dấu hiệu điển hình này cũng là 6 mức độ từ nhẹ đến nặng khi da nhiễm độc Corticoid. Trường hợp da mỏng, khô bong tróc và nổi bong bóng nước là dấu hiệu da bị nhiễm corticoid nhẹ, người bệnh chỉ bị viêm da cấp tính.
Còn khi da bị giãn mạch máu, tăng tiết bã và bỏng rát da thì đó là biểu hiện da nhiễm corticoid nặng. Các triệu chứng sẽ xuất hiện sau khoảng 2 – 4 tuần khi người bệnh ngừng sử dụng Corticoid.
Các biện pháp chăm sóc da tại nhà
Trong quá trình “cai nghiện” Corticoid cho làn da, người bệnh cần kết hợp các biện pháp chăm sóc và thải độc cho da. Đối với những trường hợp da bị nhiễm Corticoid nhẹ, chỉ bị bong tróc hoặc mẩn ngứa, người bệnh có thể sử dụng các biện pháp như:
-
Rửa mặt với các sản phẩm nhẹ dịu: Mỗi ngày người bệnh cần dùng các loại sữa rửa mặt nhẹ dịu để làm sạch da, tránh tình trạng da bị nhiễm khuẩn nặng hơn. Người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9% để rửa mặt. Hoặc sử dụng các loại sữa rửa mặt không tạo bọt, không hương liệu và được các bác sĩ da liễu khuyên dùng như Cetaphil.
-
Sử dụng kem dưỡng ẩm da: Da bị nhiễm độc Corticoid thường bị bong tróc và thiếu nước. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm chứa nhiều vitamin E hoặc Hyaluronic Axit. Tuyệt đối không sử dụng các loại kem dưỡng ẩm chứa Paraben, hương liệu.
-
Ngừng sử dụng tất cả các sản phẩm đặc trị da: Do các tế bào da đang bị hư tổn nặng, người bệnh cần ngừng sử dụng tất cả các sản phẩm có tính chất đặc trị như làm trắng da, chữa da mụn…cho dù chúng không chứa Corticoid. Lúc này, điều quan trọng hơn cả là phục hồi và tái tạo làn da đang bị tổn thương.