Theo một nghiên cứu của Đại học Stanford, trong khi 30% của quá trình lão hóa liên quan đến di truyền, 70% còn lại phụ thuộc vào chính lối sống của chúng ta. Chúng ta không thể ngăn cản thời gian, nhưng chúng ta có thể giảm tốc độ của quá trình lão hóa.
1.Thế nào là "lão hóa lành mạnh"?
+ Lão hóa là sự già đi theo thời gian của cơ thể. Quá trình này xảy ra khi các tế bào bắt đầu hư tổn và chức năng các hệ cơ quan suy giảm. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tật và đến gần hơn với cái chết.
+ Lão hóa biểu hiện rõ ở tuổi già (từ 60 tuổi trở đi). Tuy nhiên tiến triển của nó ở mỗi người khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
* Di truyền
* Môi trường sống
* Các bệnh mắc phải
* Hành vi hoặc thói quen sống
+ Đó cũng đồng thời là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc một người có trải qua quá trình “lão hóa lành mạnh” hay không. Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, lão hóa lành mạnh là ngày càng già đi nhưng vẫn có khả năng giữ được trạng thái tinh thần vui vẻ, hạnh phúc, được đáp ứng đủ các nhu cầu cơ bản, duy trì các mối quan hệ và đóng góp tích cực cho xã hội.
2.Ảnh hưởng của quá trình lão hóa đến cơ thể
+ Tim (hệ tim mạch)
Với sự tác động của quá trình lão hóa, tim phải làm việc cật lực hơn bởi theo thời gian, các mạch máu xơ cứng dần (gồm động mạch, tĩnh mạch), khiến cho việc bơm máu trở nên khó khăn.
Bên cạnh đó, chất béo cũng bắt đầu tích tụ trong thành mạch máu, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim, dẫn đến rủi ro mắc bệnh tim mạch cao như đột quỵ, tăng huyết áp và đau tim.
+ Thính giác
Càng cao tuổi thì chức năng tai càng suy giảm, khiến người già khó phân biệt các âm thanh khác nhau cũng như giảm hoặc mất khả năng giữ thăng bằng cơ thể.
+ Thị giác
Ở giai đoạn lão hóa, thị lực của bạn sẽ kém dần đi. Bạn thường xuyên bị khô mắt, mờ mắt, mỏi mắt. Bên cạnh đó, vấn đề phổ biến nhất là mắt khó tập trung vào các vật thể nhìn gần, tình trạng này được gọi là viễn thị.
+ Mùi và vị
Vị giác và khứu giác có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi chức năng của chúng giảm đi, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng ăn không ngon miệng hoặc chán ăn. Ngoài ra, bạn có thể không phát hiện các mối nguy hiểm nếu không ngửi thấy mùi như khí đốt hoặc khói từ đám cháy.
+ Hệ xương khớp
Quá trình lão hóa làm cho sụn bên trong khớp trở nên mỏng hơn. Các thành phần của sụn (proteoglycans – chất giúp cung cấp khả năng phục hồi của sụn) cũng thay đổi khiến cho khớp kém đàn hồi và dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, các khớp trở nên cứng hơn do các mô liên kết trong dây chằng và gân cứng, giòn hơn. Sự thay đổi này cũng dẫn đến hạn chế cử động của các khớp
+ Hệ tiêu hóa
Màng nhầy của dạ dày sẽ dày lên theo tuổi tác dẫn đến lượng chất nhầy, axit clohydric và enzym tiêu hóa được tiết ra ít hơn. Điều này làm giảm quá trình chuyển hóa protein và có thể dẫn đến viêm teo dạ dày mãn tính.
Ngoài ra, quá trình co bóp đẩy thức ăn xuống dạ dày cũng chậm lại, khiến cho lượng nước hấp thu vào máu nhiều hơn mức bình thường. Từ đó, khối phân trở nên khô cứng, khiến người cao tuổi dễ bị táo bón.
+ Thận và bàng quang
Khi tuổi tác tăng lên, chức năng thải, lọc của thận sẽ giảm dần, việc lọc chất thải ra khỏi máu sẽ kém hiệu quả. Ngoài ra, bàng quang kém đàn hồi hơn và không thể giữ được nhiều nước tiểu như trước đây nên người cao tuổi thường bí tiểu hoặc tiểu không kiểm soát.
+ Não bộ
Tuổi tác ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nhận thức và tâm sinh lý của người già. Nó thể hiện rõ rệt qua việc người già hay quên, phản ứng chậm và khó phối hợp các động tác. Bởi khi đó, cấu trúc của não bộ thay đổi, số lượng nơ-ron thần kinh giảm, các tế bào thần kinh khó liên kết với nhau, khiến cho người già khó tập trung, chú ý, ghi nhớ và điều khiển cơ thể.
+ Làn da
Da lão hóa trông mỏng và nhạt màu hơn. Các đốm sắc tố lớn, bao gồm đốm đồi mồi, nốt sần có thể xuất hiện ở những vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Đồng thời, những thay đổi trong mô liên kết làm giảm sức căng và độ đàn hồi của da.
+Cơ quan sinh dục
Đối với nam giới, lão hóa có thể ảnh hưởng đến khả năng cương cứng của dương vật. Đối với phụ nữ, lão hóa có thể gây khô âm đạo khiến cho việc quan hệ tình dục gặp khó khăn
3.Bí quyết để lão hóa lành mạnh
Nhiều người thường chờ đến tuổi già mới bắt đầu quan tâm đến lão hóa lành mạnh. Tuy nhiên, quá trình lão hóa không hề có thời gian biểu cụ thể. Nếu chúng ta càng không chủ động giữ gìn sức khỏe khi còn trẻ, cơ thể chúng ta sẽ càng xuống cấp sớm. Hãy tham khảo một số mẹo nhỏ dưới đây để ngăn ngừa lão hóa đến sớm
+ Duy trì vận động hợp lý
Cơ bắp sẽ giảm dần khi bạn có tuổi. Tuy nhiên, tập thể dục thể thao – cụ thể là các bài tập tăng cường sức bền thường xuyên sẽ giúp tăng khối lượng cơ bắp và sức mạnh cơ thể, ngay cả khi bạn đã ở U90.
Ngoài ra, tập thể dục hàng ngày còn giúp bạn giữ thăng bằng tốt, giảm nguy cơ béo phì, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và nhiều bệnh mãn tính khác. Đặc biệt, đối với người cao tuổi, nếu không thể vận động với cường độ cao, bạn có thể vận động nhẹ nhàng mỗi ngày để cải thiện giấc ngủ và sự lưu thông máu trong cơ thể.
+ Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học
Để lão hóa lành mạnh, bạn đừng nên ăn quá nhiều vì nó có thể dẫn đến thừa chất, gây nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và tiểu đường type 2. Một chế độ ăn hợp lý giúp làm chậm quá trình lão hóa sẽ bao gồm các thực phẩm ít chất béo bão hòa, nhiều trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, cá và một lượng sữa béo, thịt nạc vừa phải. Bạn cũng đừng quên uống nhiều nước mỗi ngày và việc hạn chế các thực phẩm có đường.
+ Xét nghiệm định kỳ
Người từ 40 tuổi trở lên cần thực hiện một số xét nghiệm định kỳ để kiểm tra chức năng cơ thể, đặc biệt là huyết áp và mức cholesterol. Chỉ số cao thường làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim. Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có thể khắc phục phần lớn bằng thuốc và điều trị kịp thời.
+ Chăm sóc giấc ngủ
Thói quen ngủ đúng giờ và đủ giấc có ý nghĩa lớn trong quá trình lão hóa lành mạnh. Trong khi ngủ, cơ thể bạn sẽ tiết ra một loại hormone tăng trưởng giúp phục hồi collagen và elasti – những thành phần thiết yếu giúp da luôn căng tràn sức sống. Đồng thời, ngủ đủ giấc cũng giúp giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh liên quan đến thần kinh, trí nhớ khi về già.
Nếu như bạn đang bị mất ngủ dẫn đến mệt mỏi và cáu gắt thường xuyên, bạn nên gặp bác sĩ để được thăm khám. Một số biện pháp như giảm thời gian ngủ trưa, thiết lập giờ đi ngủ và thức dậy cố định, kết hợp với ngâm chân, thử đồ uống ấm sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn.
+ Sống hết mình và học cách chấp nhận
Bản thân chúng ta cần ý thức rằng lão hóa là quá trình tất yếu của vòng đời. Thay vì tiếc nuối tuổi thanh xuân, học cách chấp nhận và tận hưởng giây phút hiện tại sẽ giúp chúng ta sống thanh thản hơn.
Đặc biệt, người già thường tiếc nuối những việc mình bỏ lỡ khi còn trẻ. Vậy nên, nếu bạn vẫn đang ở trong độ tuổi tràn đầy sinh khí năng lượng, hãy thực hiện những ước mơ, đam mê của mình để không khỏi tiếc nuối khi về già.
+ Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Quá trình lão hóa của con người sẽ diễn ra chậm hơn nếu bạn luôn giữ mình trong trạng thái tích cực, duy trì các mối quan hệ và sống có mục đích.
Bạn hãy thường xuyên giữ liên lạc hoặc thăm hỏi bạn bè, con cháu để tránh khỏi cảm giác cô đơn hoặc lo lắng khi về già. Những hoạt động tương tác mang tính chất giải trí lành mạnh vừa giữ cho bạn tinh thần minh mẫn, vừa đem đến niềm vui sống mỗi ngày.
🤝RẤT MONG NỘI DUNG CHIA SẺ NÀY GÓP PHẦN VÀO KIẾN THỨC CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỦA CÁC BẠN.GÓP PHẦN CHO QUÁ TRÌNH LÃO HÓA LÀNH MẠNH .
🔔Trân trọng mời Quý khách tham khảo thêm kiến thức dinh dưỡng chăm sóc sức khoẻ:
Link: http://dangcapquyba.com/kien-thuc-dinh-duong
Link : http://dangcapquyba.com/dam-protein-dau-nanh-va-suc-khoe
---------
❤❤ LAN ANH CHÚC CHỊ EM
THÂN KHOẺ MẠNH -TRẺ ĐẸP -TÂM AN - VẸN TOÀN HẠNH PHÚC 💪💪💪.
❤❤❤NGUYEN LAN ANH 091.354.8855 love all.
----------
#kienthucdinhduong
#vuongquoctredepmoingay