Nhiều người cho rằng bệnh nhân ung thư không được ăn nhiều đồ ăn dinh dưỡng để hạn chế sự phát triển của khối u. Quan niệm này có đúng không?
Trả lời của BS. Đoàn Lực (Bệnh viện K Hà Nội):
Quan niệm sai lầm phổ biến trong chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư mà hầu hết bệnh nhân thắc mắc và thậm chí không nghe lời khuyên của thầy thuốc là kiêng ăn ở nhiều mức độ khác nhau, nhất là ăn thịt, rau, thậm chí quan niệm thịt, rau có màu đỏ là kiêng tuyệt đối vì ăn nhiều kích thích ung thư phát triển nhanh hoặc kiêng ăn thịt gà, trứng vịt lộn, rau dền, cà rốt...
Điểm sai lầm ở chỗ nhu cầu của người bệnh cũng như người thường cần năng lượng cho hoạt động của cơ thể, thậm chí cần nhiều hơn cho nhu cầu điều trị bệnh ung thư.
Các tế bào ung thư phát triển ngoài tầm kiểm soát của cơ thể nên nó không phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng, nó chỉ phụ thuộc vào các chế độ điều trị đặc hiệu bệnh ung thư như phẫu thuật, tia xạ hoặc hóa chất...
Một số bệnh nhân kiêng ăn toàn diện mà chuyển sang ăn gạo lứt rất kém dinh dưỡng theo một trường phái của Nhật Bản. Nếu chưa hiểu thật rõ trường phái trên thì không nên theo vì ăn gạo lứt có thể gây thiếu dinh dưỡng cho cơ thể. Một số trường hợp đã phải vào viện cấp cứu vì phương pháp trên, số khác lỡ mất cơ hội điều trị bệnh, sau một thời gian quay lại viện thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn, cơ may điều trị khỏi trở nên khó khăn hơn.
Xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư là một điều hợp lý giúp tăng cường thể lực cho bệnh nhân. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất và đúng giờ giúp bệnh nhân giảm thiểu những bất lợi do tác dụng phụ của thuốc và bệnh nhân có cảm giác sống khỏe hơn.
Chết vì suy kiệt trước khi chết vì khối u
Xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư là một điều hợp lý giúp tăng cường thể lực cho bệnh nhân. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất và đúng giờ giúp bệnh nhân giảm thiểu những bất lợi do tác dụng phụ của thuốc và bệnh nhân có cảm giác sống khỏe hơn.
Theo thống kê hàng năm ở nước ta có khoảng 150.000 bệnh nhân chết vì ung thư, trong đó 80% bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u. Thế nhưng, trong các buổi khám bệnh, rất ít bệnh nhân đề cập đến việc ăn uống thế nào cho hợp lý. GS. BS Nguyễn Chấn Hùng (BV Ung bướu TP HCM), đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
Hiện nay, ở Việt Nam rất nhiều bệnh nhân ung thư (BNUT) không được chăm sóc dinh dưỡng đúng trong suốt thời gian trị bệnh nên đã dẫn đến tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng và suy kiệt trầm trọng hơn. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời giai sống của bệnh nhân.
Bệnh nhân điều trị ung thư nên ăn nhiều rau quả có chứa chất xơ, ăn nhiều cá và giảm lượng thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao… sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khoẻ để chống lại ung thư chứ không phải là “cung cấp thêm chất đạm cho khối u” như nhiều người vẫn lầm tưởng.