LĂN KIM – LIỆU PHÁP TĂNG CƯỜNG THẨM THẨU XUYÊN BIỂU BÌ GIÚP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ
Cấu trúc làn da người bao gồm 3 lớp chính là biểu bì, trung bì và hạ bì, trong đó biểu bì là lớp ngoài cùng của da đóng vai trò hàng rào bảo vệ da trước các tác nhân bất lợi từ môi trường cũng như ngăn ngừa sự mất nước giúp duy trì trạng thái sinh lý bình thường của da. Dù vậy, trung bì mới là lớp cấu trúc đóng vai trò quyết định đối với sức khỏe của làn da và do vậy nó là mục tiêu tác động của hầu hết các loại mỹ phẩm. Tuy nhiên, tỷ lệ vượt qua được lớp biểu bì để đến được lớp trung bì của hoạt chất với cách thức thoa ngoài da đơn thuần thường rất thấp. Để đáp ứng yêu cầu đó, lăn kim đã ra đời và phát triển trở thành liệu pháp tăng cường thẩm thấu xuyên biểu bì được sử dụng nhiều năm trên thế giới với hiệu quả đã được nhiều nghiên cứu lâm sàng chứng minh.
Lợi ích
Khi được thực hiện trên da, lăn kim tạo vô số đường dẫn giúp cho mỹ phẩm thấm sâu vào da hiệu quả gấp nhiều lần so với khi thoa bình thường, từ đó phát huy tối đa tác dụng của các thành phần hoạt chất. Bên cạnh đó, nó còn tạo các “vết thương giả” làm kích thích các phản ứng viêm và quá trình chữa lành của làn da, từ đó kích thích tổng hợp collagen và elastin cũng như tăng cường lưu thông máu đến vùng điều trị, giúp mang lại tác dụng trẻ hóa, tái tạo da, se khít lỗ chân lông, làm đầy sẹo một cách tự nhiên và hữu hiệu.
Thiết bị
Có nhiều loại thiết bị vi kim khác nhau với tên gọi khác nhau. Đầu tiên là dạng thủ công được gọi là Dermaroller (kim lăn thủ công). Các dạng còn lại được lắp đặt động cơ là Dermapen và Dermastamp. Các thiết bị vi kim này có cơ sở khoa học hợp lý, chúng được chứng minh có khả năng nhất định trong việc giúp làm giảm các tình trạng sẹo, đưa các thành phần hoạt chất thẩm thấu tốt hơn vào da cũng như kích thích quá trình tái tạo tự nhiên của làn da.
-
Dermaroller: giống con lăn sơn nhỏ, gồm một hình trụ lăn đính ít nhất khoảng 200 đầu kim nhỏ và một tay nắm giúp cho việc di chuyển trụ lăn xung quanh mặt. Khi di chuyển, các đầu kim sẽ tạo vô số các lỗ nhỏ trên da, tạo điều kiện cho sự thẩm thấu tốt hơn của các hoạt chất cũng như kích thích quá trình tái tạo của làn da.
-
-
– Dermapen: hình dạng trông giống hệt một chiếc bút với một đầu tròn đính nhiều đầu kim nhỏ. Sự di chuyển đều đặn ra vào da theo hướng thẳng đứng của các vi kim này được điều khiển bởi một motor giúp tạo được vô số các vết thương nhỏ đồng đều trên da.
-
– Dermastamp có cấu tạo tương tự như dermapen nhưng bề mặt đầu chứa kim lớn hơn với nhiều kim hơn. Thiết bị này có thể ở dạng thủ công hoặc được lắp động cơ và chế độ hoạt động của nó chính xác như tên gọi (đóng stamp). Thay vì lăn thủ công để tạo đường dẫn hoặc được điều khiển bởi motor, các đầu kim sẽ được đóng thẳng trực tiếp lên da, tương tự như máy xăm nhưng sự xâm lấn được thực hiện bởi rất nhiều đầu kim.
Chỉ định
Một số chỉ định của liệu pháp lăn kim:
-
Sẹo lõm
-
Rạn nứt
-
Da lão hóa, nếp nhăn mịn
-
Lỗ chân lông to
-
Tăng sắc tố da
Tùy thuộc vào chỉ định khác nhau mà độ sâu tác động của kim sẽ khác nhau, chẳng hạn đối với sẹo lõm là từ 1.0 – 1.5 mm, rạn nứt trong khoảng 1.5 – 2.0 mm trong khi với mục đích trẻ hóa da và tăng cường thẩm thấu mỹ phẩm thì chỉ cần dưới 1.0 mm (đối với độ sâu 0.25 mm thì có thể thực hiện kết hợp thoa mỹ phẩm 2-3 lần / tuần tại nhà mà không cần đến cơ sở điều trị). Các thành phần hoạt chất, đặc biệt là chiết xuất phôi thai thực vật khi được kết hợp với liệu pháp lăn kim sẽ thẩm thấu sâu tạo tác dụng cộng gộp giúp thúc đẩy quá trình tái tạo của làn da một cách mạnh mẽ, tạo hiệu quả trẻ hóa vượt trội.
Thực hiện lăn kim mỗi ngày có tốt hay không?
Cần phải biết rằng việc liên tục tác động lên các vết thương trên da sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Đây cũng chính là mối lo ngại lớn nhất đối với các liệu pháp cần thực hiện lặp lại để đạt được hiệu quả tốt nhưng lại phải gây tổn thương da.
Trong quá trình làm lành da và hình thành mô sẹo, có một sự thay đổi trong tỷ lệ giữa collagen tuýp I và tuýp III). Có ít nhất 16 loại collagen trong cơ thể, tuy nhiên trong đó phổ biến nhất là loại I và loại III.
Khi da bị tổn thương, lượng collagen tuýp I tăng lên trong khi tuýp III giảm xuống. Khi 2 loại này cân bằng, làn da sẽ khỏe mạnh hơn, trông trẻ trung hơn và ngược lại khi sự cân bằng này mất đi vì các nguyên nhân tổn thương hay lão hóa, đặc biệt là trường hợp tổn thương lặp lại thường xuyên (lăn kim mỗi ngày) sẽ khiến cho lượng collagen tuýp I trở nên vượt trội, khi đó làn da sẽ trông thô cứng và không được khỏe mạnh. Về cơ bản, tình trạng này là do làn da phải ở chế độ sửa chữa liên tục do thường xuyên tổn thương, việc này hoàn toàn không tốt.
Sự cân bằng giữa collagen tuýp I và tuýp III là chìa khóa mang lại một làn da trẻ trung, khỏe mạnh và nó chắc chắn sẽ bị phá vỡ nếu quy trình lăn kim được thực hiện mỗi ngày. Do vậy, chỉ nên áp dụng 2-3 lần tuần hoặc theo hướng dẫn của chuyên viên để làn da kịp thời phục hồi sự cân bằng collagen trước khi sẵn sàng “tiếp nhận” một tổn thương mới.